Hơn 5000 năm sáng tạo và giữ gìn truyền thống văn hóa, Trung Hoa là đất nước có các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần độc đáo và phức tạp. Trong đó, nổi bật và khắt khe nhất là văn hóa giao tiếp của người Trung Quốc, mỗi du khách phải tìm hiểu và tuân thủ các quy tắc ngầm trong ứng xử, trò chuyện.
Văn hóa chào hỏi ở Trung Quốc
Thực tế, nhiều du khách quốc tế và Việt Nam còn khá e ngại trong cách ứng xử, hành xử và các vấn đề lễ giáo ở Trung Quốc. Đừng rụt rè và thiếu tự tin, bạn hãy tạo ấn tượng tốt bằng cách chào hỏi thật chân thành và lễ phép. Đặc biệt với những người lớn tuổi hoặc người có địa vị cao trong xã hội, du khách phải có những cử chỉ và lời nói đúng mực, thể hiện sự tôn trọng đối phương.
Xem thêm: Cùng tìm hiểu nét đẹp của trang phục truyền thống Trung Quốc
Cụ thể, khi tiếp xúc với người Trung bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Chào hỏi, xưng hô
- Lần lượt chào hỏi từ người cao tuổi nhất hoặc người có địa vị quan trọng trong xã hội, sau đó đến những người khác và cuối cùng mới chào phụ nữ.
- Trường hợp cần bắt tay, bạn cần phải kính cẩn cúi nhẹ người, thả lỏng hai tay và dùng lực nhẹ nhàng không làm đau đối phương.
- Khi xưng hô, người Trung thường gọi họ (ông Lê, bà Trần, cô Trương,..) chứ không gọi trực tiếp tên của đối phương. Nếu đối phương là người có chức vụ quan trọng, bạn nên bày tỏ sự kính trọng bằng các gọi cả chức vụ của người đó (Chủ tịch Lê, Trưởng phòng Trần, Cục trưởng Trương,…).
- Theo phong tục, du khách tuyệt đối không chỉ một ngón tay để giới thiệu người nào đó. Thay vì đó, hãy ngả lòng cả bàn tay và hướng về người được giới thiệu để thể hiện sự thân thiện và tôn trọng nhau.
- Trong văn hóa giao tiếp của người Trung Quốc, những tấm danh thiếp trao tận tay khách như đại diện cho một lời chào hỏi. Khi nhận hoặc trao danh thiếp, bạn nên dùng cả hai tay và đọc qua danh thiếp trước khi cho vào túi.
Làm quen
- Khi gặp gỡ, làm quen bạn nên hạn chế hỏi các chuyện cá nhân như quê quán, lập gia đình hay chưa, con cái hoặc nơi công tác hiện tại. Ngược lại, nếu được hỏi những vấn đề này, bạn tuyệt đối không được lảng tránh mà hãy trả lời đầy đủ thông tin.
- Có thể uyển chuyển thay đổi các đề tài khác như thời tiết, phong tục tập quán hoặc món ngon, đặc sản ở địa phương.
- Đừng tiếc những lời khen, mà hãy trực tiếp bày tỏ tình cảm, sự thích thú hoặc sự khâm phục điều gì đó ở đối phương. Khi nhận được những lời ca ngợi tương tự, bạn nên cảm ơn và không từ chối lời khen.
- Không trao đổi hoặc phê phán các vấn đề chính trị, quân sự hoặc các chính sách của Trung Quốc.
Quà tặng
Trong văn hóa Trung Quốc người Trung cho rằng, những món quà khi chia tay thể hiện một mối quan hệ tốt đẹp, tôn trọng lẫn nhau. Quà có thể có thể là vật dụng, một văn hóa phẩm hoặc đồ mỹ nghệ lưu niệm.
Lưu ý, cần tránh tặng các vật phẩm sau:
- Không tặng đồng hồ, vì nó mang ý nghĩa kết thúc, chấm dứt và biểu trưng cho sự chết chóc.
- Không tặng giày, bởi “hài” đồng âm với chữ “tà” trong tà khỉ, mang đến sự âm u hoặc những điều không lành cho gia chủ.
- Không tặng ô, vì nó đồng âm với chữ “tản” trong ly tán, có nghĩa là không bao giờ gặp lại nhau nữa.
- Không tặng hoa cúc trắng, bởi nó được dùng trong các lễ tang nên mang lại cảm giác lạnh lẽo, tang tóc và kém may mắn.
Các con số trong văn hóa giao tiếp của người Trung Quốc
Lưu ý, những người làm ăn buôn bán ở Quảng Đông thường quan tâm đặc biệt đến các con số. Để không bị bắt bẻ và làm người khác khó chịu, bạn không nên nhắc đến số 4 – vì đồng âm của từ này có nghĩa là tử (chết). Hãy giao tiếp và kéo gần khoảng cách bằng các con số may mắn, mãi mãi đem đến nhiều tài lộc như 6, 8 hoặc 9.
Trong đó:
- Số 6 (lục) phát âm như từ “lộc”, mang ý nghĩa tài lộc, thịnh vượng.
- Số 8 (bát) gần đồng âm với từ “phát”, có nghĩa là phát tài, phát đạt.
- Số 9 (cửu) đọc gần giống với từ “cửu”, mang ý nghĩa vĩnh cửu, mãi mãi.
Văn hóa trò chuyện trên bàn ăn cùng người Trung Quốc
Khác với phương Tây, người phương Đông nói chung và người Trung Quốc nói riêng thường có những quy tắc giao tiếp khá cầu kỳ trên bàn ăn. Ngoài mục đích kết nối các thành viên với nhau, mỗi bữa ăn còn giúp người Trung Quốc nhìn nhận và đánh giá chính xác về người khác. Thông qua việc quan sát cử chỉ và lời nói của bạn, người Trung có thể đưa ra nhận định về tính cách của bạn. Vì vậy, bạn cần tuân thủ các quy tắc trong văn hóa giao tiếp của người Trung Quốc để không làm phật lòng đối phương:
- Trước khi ăn, bạn nên mời người lớn tuổi hoặc người có địa vị cao trong xã hội ngồi ở vị trí trung tâm và dùng bữa trước.
- Trong khi ăn, du khách nên thể hiện sự thoải mái, tạo không khí vui vẻ trên bàn ăn với một câu chuyện hài hước, thú vị.
- Không dùng đũa để chỉ trỏ hoặc cắm đũa vào bát cơm. Bởi đũa chiếm vị trí quan trọng trong giá trị tinh thần của người Trung Hoa, những hành động trên làm liên tưởng đến đám tang và thiếu tôn trọng với văn hóa quốc gia.
- Hành động gõ đũa mang đến sự bất an, không may mắn cho gia chủ vì vậy tuyệt đối không được gõ đũa vào chén, đĩa.
- Trên bàn ăn, không tự ý rót rượu/bia cho bản thân. Theo phong tục, cấp dưới sẽ rót cho cấp trên, đàn ông sẽ rót rượu cho phụ nữ.
Những lưu ý khi giao tiếp với người Trung Quốc
Có thể nói, người Trung Quốc khá chú trọng đến lời ăn tiếng nói và các cử chỉ hành động khi tiếp xúc với một người bạn mới. Nếu muốn khám phá đất nước này, hãy học thuộc lòng những hạn chế trong giao tiếp với người bản địa.
- Hạn chế những lời từ chối hoặc kết thúc chủ đề trò chuyện bằng các câu nói như: Việc này hơi khó, tôi sẽ suy nghĩ kỹ vấn đề này hoặc để tôi xem xem,…
- Không giành trả tiền nếu được người Trung Quốc mời ăn và không yêu cầu chia tiền nếu bạn mời họ đi ăn.
Điểm khác biệt giữa văn hóa giao tiếp của người Trung Quốc và Việt Nam
Có thể thấy rằng, cách giao tiếp của người Việt Nam và Trung Quốc có những điểm khá giống nhau. Ngoài những điểm tương đồng cơ bản, văn hóa giao tiếp của hai nước có những khác biệt cụ thể như sau:
- Trao đổi về lương bổng: Người Việt Nam thường khá nhạy cảm và không thích chia sẻ mức lương, thưởng cho đồng nghiệp, bạn bè. Ngược lại Trung Quốc lại khá thoải mái và trò chuyện về mức thu nhập để thể hiện sự quan tâm với đối phương.
- Giao tiếp bằng mắt: Ở Việt Nam không quá khắt khe trong việc giao tiếp bằng mắt với đối phương, còn Trung Quốc thì bạn buộc phải nhìn vào mắt người giao tiếp để thể hiện sự tôn trọng.
- Địa vị xã hội: Vấn đề tuổi tác và địa vị xã hội ở Việt Nam cũng được xem trọng. Tuy nhiên Trung Quốc thường coi trọng vấn đề này hơn hết, đặc biệt thể hiện qua các xưng hô.
- Cách tặng quà: Việt Nam thường quan trọng món và và ý nghĩa của nó. Trung Quốc lại xem trọng hình thức, cách gói, cách tặng quà, đặc biệt hạn chế mở quà trước mặt người nhận.
Xem thêm: Tìm Hiểu Về Tiền Tệ Trung Quốc Và Mệnh Giá Tiền Trung
Nói tóm lại, để hiểu sâu về văn hóa của một đất nước là điều không hề dễ dàng. Hy vọng những thông tin bổ ích từ vieclamtrungquoc.com đã giúp bạn hiểu sơ lược về văn hóa giao tiếp của người Trung Quốc, để khi đặt chân đến đây bạn sẽ tự tin và tránh những tình huống khó xử. Chúc bạn và gia đình có những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng tuyệt vời, trọn vẹn bên gia đình và người thân.
Nguyễn Hồng Ngọc là người sáng lập và hiện đang là CEO của vieclamtrungquoc.com, một trang web uy tín hàng đầu về việc làm và tuyển dụng tại Trung Quốc. Với kiến thức sâu về thị trường lao động Trung Quốc và tầm nhìn chiến lược, cô đã đưa trang web trở thành một trong những nguồn thông tin hàng đầu về việc làm tại quốc gia này.
Thông tin liên hệ:
- Email: [email protected]
- Học vấn: Tiến sĩ Kỹ thuật – Chuyên ngành Cơ khí, Khoa Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội
- Địa chỉ: 102 P. Nguyễn Văn Tuyết, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam